Lời nói đầu
Game bài Tổ Tôm là một trò chơi bài lá dân gian phổ biến của người dân Việt Nam, (hiện nay chỉ thấy được chơi ở Việt Nam). Tên gọi của trò chơi được đọc chệch ra từ chữ "Tụ Tam" nghĩa là hội tụ của ba lại hàng Văn, Vạn và Sách. Trong các ngày lễ, Tết, game bài Tổ Tôm thường được nam giới và người già chơi vì nó có một số luật khá khó, nhiều nước biến hoá, thanh niên và phụ nữ thời xưa ít chơi. Do Tổ Tôm khá khó nên người xưa có câu ca dao đề cao Tổ Tôm, nó thể hiện trình độ và cái oai phong của bậc quân tử:Làm trai biết đánh Tổ Tôm
Uống chè mạn hảo xem nôm Thuý Kiều
Cũng có tài liệu nói rằng Tổ Tôm xuất phát từ Nhật Bản do các hình vẽ đều là hình vẽ theo kiểu của Nhật, theo lối tranh mộc bản (mokuhan) đơn giản và tất cả các nhân vật đều mặc kimono thời Edo (trước khi Nhật hoàng Minh Trị lên ngôi và trị vì 1868-1912), trong số này có 18 hình đàn ông (có 8 người bó chân), 4 hình phụ nữ và 4 hình trẻ em. Các hình cá chép, trái đào, thành, thuyền cũng là những hình ảnh rất Nhật.
Game bài Tổ tôm là loại giải trí dùng quân bài có tác dụng phát huy trí tuệ và rèn tính kỷ luật. Nó phát huy tư duy toán học, rèn luyện cách nhìn sự vật trong mối tương quan nhiều mặt vì khi chơi phải biết xoay chuyển các phu trong bài của mình một cách linh hoạt sao cho không còn quân lẻ hoặc quân lẻ còn ít nhất để chóng ù.
Người chơi còn phải biết phán đoán bài của đối phương khi họ ăn quân của làng hay khi họ đánh quân đi, biết phán đoàn xem đối phương sẽ đánh quân gì, còn biết phán đoán xem trong bài nọc có quân mình mong muốn không khi xem bài của làng trên chiếu. Người chơi còn biết kiểm tra người ù xem có ù đúng không thậm chí còn biết góp ý cho người ù cách xoay bài sao cho ù được điểm cao hơn hoặc ù nhanh cũng như bỏ ù mà không biết. Người chơi phải tuân theo những quy định chặt chẽ của luật chơi, từ cách xướng ỳ đúng trình tự, đủ lời, đến cách xếp bài trên chiếu đúng thứ tự, cách chia bài, cách bắt cái, cho cái … Thời phong kiến, do luật chơi phức tạp, chơi lại tốn thời gian nên chỉ nhà nho, người giầu, có học mới biết và hay chơi tổ tôm nên người ta gọi trò chơi đó là của trí thức, của nhà giầu. Do đó nó ít được phổ biến trong dân gian.
Ngày nay, đất nước ta đổi mới, kinh tế phát triển, người cao tuổi ngày càng đông. Để người cao tuổi chậm lão hóa, nhất là đối với bộ não, bớt ốm đau, để sống vui, sống khỏe, sống có ích, chũng ta nên phổ biến hướng dẫn để nhiều người biết chơi loại trò chơi này.
Đây là mục đích nhỏ nhoi của cuốn sách này. Kính mong các cụ cao niên đã từng chơi trước đây góp thêm những chỗ còn thiếu sót để bổ sung đầy đủ cho luật chơi này.
I.- Quân bài tổ tôm, cách gọi, cách chơi:
Bài Tổ tôm có 120 quân họp thành Cỗ Tổ Tôm. Các quân xếp hàng ngang thành 3 hàng vạn, sách, văn; xếp hàng dọc thành 9 hàng nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục, thất, bát, cửu. Như vậy ta có tên từ nhất vạn đến cửu vạn, từ nhất sách đến cửu sách, từ nhất văn đến cửu văn. Mỗi thừ có 4 quân, tổng cộng 108 quân (3x9x4=108). Riêng hàng quân nhất còn có 3 quân Thang thang Chi chi và Ông cụ, mỗi thứ 4 quân, cộng là 12 quân.
Như vậy cố bài về tên quân có 30 tên quân, về số quân có 120 quân. Các quân đỏ là cửu vạn, bát vạn, cửu sách, bát sách và 3 quân yêu là thang thang, chi chi và ông cụ. Các quân còn lại đều là quân đen (xem phía dưới).
Ó 2 cách chơi:
- Chơi với 5 người: Bài chia thành 6 phần, mỗi phần có 20 quân, mỗi người một phần còn 1 phần là bài nọc để ở đĩa. Người là cái được thêm 1 quân lấy từ bài nọc. đánh đầu tiên, khi bài nọc chỉ còn 5 quân, không ai ù là hết 1 ván. Nhiều ván thành một hội. Số ván trong hội nhiều hay ít tùy thuộc vào các ván ù được nhiều điểm hay ít điểm vì số điểm của một hội là cố định theo quy định của người chơi. Số điểm của hội càng nhiều, các ván chơi càng nhiều. Người nào có bài đẹp gặp may mắn sẽ chóng ù khi bài có 1 lưng và không còn quân lẻ với 21 quân bầy, trình xuống chiếu, lật khàn nếu có và xướng ù đúng trình tự theo luật rất chặt chẽ; làng sẽ phân tích, hỏi, bắt bẻ rồi mới công nhận (như treo tranh, trái vỉ nghỉ ăn tiền; ù không lưng phải chèo đò, không ăn tiền và phải ù một ván trả đò; bỏ ù không ăn tiền; v.v. (xem phần hướng dẫn ở dưới). Vì vậy chơi game bài tổ tôm mất nhiều thời gian nên những ngày mưa dầm gió bấc, ngày Tết, đợt đi an dưỡng, ngày hội, người về hưu có nhiều thời gian rảnh rỗi người ta mới chơi.
- Chơi với 4 người (còn gọi là chơi bí tứ): Bài chia thành 5 phần, mỗi phần 24 quân, mỗi người một phần, 1 phần để làm bài nọc; ù phải có đủ 2 lưng, không có ù thông, không ù thập hồng mà ù thập nhị hồng, không có ù kính cố mà ù kính nhị cố.
II. Cách cầm bài và xếp bài
Bài cầm trên một bàn tay, xòe như cầm quạt giấy, quân yêu xếp ở giữa quạt, trên các quân khác, không che lấp các quân sau. Quân xếp theo từng phu, các phu liên quan xếp gần nhau, các quân lẻ cần đánh đi để riêng. Hết sức chú ý không được để lấp quân nào, nếu lấp không trông thấy rõ sẽ dễ bị bỏ ù hoặc ù sai vì vẫn còn quân thừa.
Các quân bài trên tay hay trên chiếu phải xếp theo phu: 3 quân trở lên xếp hàng ngang là phu bí (như tứ vạn, tứ sách, tứ văn hay thất vạn, thất sách, thất văn;), 3 quân trở lên xếp hàng dọc theo thứ tự liên tục là phu dọc (thí dụ Nhất vạn, nhị vạn, tam vạn; ngũ văn, lục văn, thất văn, bát văn, cửu văn; nhị sách, tam sách, tứ sách rồi tứ sách, ngũ sách, lục sách, thất sách, bát sách.)
Ngoài phu dọc, phu bí còn có các phu đặc thù khác gọi là phu lưng như:
- Tam vạn – tam sách – thất văn (gọi là Tôm)
- Cửu vạn - bát sách - chi chi (gọi là Lèo )
- Cửu sách - Thang thang – Ông cụ
- Cửu vạn – cửu sách – thanh thang
- Nhất vạn – nhất sách – cửu văn
- Nhị vạn – nhị sách – bát văn
- Nhất văn – nhị văn – tam văn
- Khàn ( 3 quân giống nhau đều là Phu lưng)
- Có 2 quân giống nhau, được ưu tiên phỗng con thứ 3
- Thiên khai (4 quân giống nhau) cũng là phu lưng.
Bài xếp dưới chiếu phải theo quy định nghiêm ngặt như sau:
- Có khàn phải để úp xuống chiếu (để mọi người biết dự đoán khi cần thiết)
- Quân ăn của làng thành phu bí phải để dưới cùng phía trên; mình có quân nào giống quân ấy nhất thiết phải hạ xuống để trên quân ấy, nếu có 2 quân giống thì quân thứ hai phải để trên cùng thành 5 quân ( ăn 5 binh).
(1) Ăn 5 binh; (2) Ăn phu bí; (3) Ăn phu dọc .Quân trên cùng là quân của làng
- Quân ăn thành phu dọc phải xếp thành hàng dọc, cũng theo thứ tự quân ăn của làng phải để dưới cùng, nếu ăn phu dọc trên tay của mình còn quân giống quân mình ăn cũng phải hạ phu có quân mình ăn xuống, quân giống của làng cũng phải để dưới cùng. Khi quân đến cửa minh nối tiếp với phụ dọc mình có trên chiếu, mình không ăn phải hạ quân trùng trên tay xuống phu dọc ấy để làng biết. Quân để dưới chiếu không đúng thứ tự trên gọi là trái vỉ; quân phải để dưới chiếu mà vẫn cầm trên tay gọi là treo tranh ( Treo tranh, trái vỉ nghỉ ăn tiền).
- Có thiên khai phải úp xuống chiếu rồi trình làng khi làng bốc quân đầu tiên ở nọc. Nếu mình là cái thì phải mở thiên khai trước rồi mới đánh quân. Ai đang chờ quân của thiên khai có thể hạ ù. Ai có khàn khi quân giống khàn lên thì phải dậy khàn thành thiên khai không dậy là thối khàn. Thối khàn mà ù không được ăn tiền (tính điểm). Nếu quân ấy đến đúng cửa của mình thì có thể vừa dậy khàn vừa ăn thành phu dọc
III. Điều kiện ù, các loại ù và cách tính điểm
A. Điều kiện ù:
Phải có các điều kiện sau:1. Bài phải tròn, có đủ 21 quân kể cả quân ăn để ù, toàn bộ các quân bài phải xếp được vào các phu không còn một quân riêng lẻ nào ở ngoài, có ít nhất 1 lưng, ai là cái khi lên bài mà bài đã tròn, đủ lưng thì hạ bài gọi là Thiên ù. (bài quá đẹp trời cho ù ngay)
2. Ù không được tính điểm, chỉ được cái:
- Bỏ ù: quân trước đến không ù lại ù quân sau.
- Treo tranh: quân phải để dưới chiếu vẫn để trên tay
- Trái vỉ: Quân để dưới chiếu không đúng thứ tự quy định.
- Hô ù rồi mới dậy khàn
- Ù mà quên dạy khàn (Khê khàn)
- Bất thực một cục: khàn bất thực chỉ có một phu bù
3. Ù bị chèo đò (không được tính điểm phải trả nợ làng một ván ù khác, chỉ được nhận thêm một quân làm cái ván tiếp theo):
- Ù không phỗng hay có phỗng mà không hô.
- Ù sai : không lưng, còn thừa quân không vào phu nào, bài thừa quân hoặc thiếu quân.
- Ăn một quân lại đánh 2 quân cùng một phu
- Dánh quân trong phu dưới chiếu.
- Có đôi, quân lên không phỗng lại đánh cả 2 quân
- Quân lên đúng phu dọc dưới chiếu mình đã có quân ấy lại không hạ quân của mình xuống ( coi như dối làng để làng tính sai khi có nhu cầu).
- Quân đến lần trước không ăn, lần sau đến lại ăn.
- Thối khàn: có quân lên đúng khàn lại không dậy khàn (làm làng tính sai coi như dối làng)
- Hô ù loại thấp thành loại cao (coi như gian). (Nếu ù cao mà hô loại thấp thì chỉ ăn điểm loại thấp mà thôi)
B. Cách hô ù:
Quân mình chờ bất cứ lên cửa nào mình đều được ù. Sau khi hạ bài xuống, dậy khàn, báo bất thực và trả chén làng (nếu có) mới Xướng ù hay Hô ù loại gì: Ù suông; Ù thông; ù có cước sắc hay thông có cước sắc. Nếu ù có nhiều cước sắc phải nói đúng trình tự cao trước, thấp sau, trừ Ù Tôm Lèo, ví dụ như bạch định tôm, thập hồng lèo, kính cố tôm, chi nẩy tôm, kính tứ cố tôm, thông bạch định tôm, thông thập hồng tôm lèo v.v.Hô ù ít thành ù nhiều thì bị phạt, nhiều thành ù ít thì nhận điểm ít. Nếu quân mình chờ, trên tay đã có 2 quân mà lên quân thứ 3 đúng phu dọc mình chờ thì phải nói là ù không phỗng, không nói coi như không được ù.
C. Cách tính điểm:
Cách tình điểm một hội và tính điểm từng ván theo thỏa thuận của làng. Thường bao giờ người ta cũng lấy điểm một ván ù không cước sắc là điểm tối thiểu, từ đó tính ra điểm các loại ù. Có 3 loại ù: ù suông, ù thông và ù có cước sắc:
· Ù suông : Ù không có cước sắc.
· Ù thông: Ù liền lần thứ hai.
· Ù có cước sắc:
1. Ù Tôm: có phu lưng tam vạn – tam sách – thất văn
2. Ù lèo: có phu lưng Cửu vạn – Bát sách – Chi chi.
3. Ù thập Hồng (Điều): có 10 quân đỏ (chơi 4 người phải có 12 quân đỏ gọi là ù thập nhị hồng)
4. Ù kính cố (cụ): chỉ có một ông cụ, không có quân đỏ nào khác.
5. Ù bạch định: chỉ toàn quân đen, không có quân nào đỏ.
6. Ù chi nẩy: chỉ chờ duy nhất một nước chi chi.
7. Ù kính tứ cố: có đủ 4 ông cụ, không có quân đỏ nào khác.
Cách tính điểm: thông thường ta hay cho điểm như sau:
· Ù suông: 4 điểm
· Ù thông; thêm 2 điểm nữa cho bất cứ loại ù nào.
· Ù tôm: 6 điểm
· Ù Lèo: 8 điểm.
· Ù thập hồng ( thập nhị hồng nếu chơi 4 người ): 12 điểm.
· Ù kính cố: 12 điểm.
· Ù bạch định: 16 điểm.
· Ù chi nẩy : 24 điểm
· Ù kính tứ cố: 46 điểm.
· Ù nhiều loại: Lấy loại cao điểm nhất thêm 2 điểm nữa cho mối loại ù ( như thập điều tôm lèo thì 12 + 2 + 2 = 16 điểm; Bạch định tôm: 16 + 2 = 18 điểm; Thông Kính cụ tôm: 12+2+2 = 16 )
Ghi chú: Ù kính tứ cố có điểm cao nhất, rất khó, nhưng người ta sợ ù loại này vì cho là xúi quẩy, dễ bị chết khi nghĩ đến hình tượng 4 người khênh cỗ quan tài.
Những người chơi ăn tiền, gọi là đánh bạc, họ cũng căn cứ vào cách tính điểm này để góp tiền chơi và nhận tiền ù. Số tiền còn lại cuối hội, không đủ một ván ù suông, làng cho người chia bài hoặc chủ chứa, ngoài tiền nộp cho chủ chứa gọi là hồ. Tùy theo tính chất sát phạt nhau mà định mức góp tiền và nhận tiền nhiều hay ít khi ù. Thông thường ta tính hết 50 điểm, hết tiền góp hoặc số điểm và số tiền còn không đủ 1 ván ù suông là hết hội.
Ngay nay chơi ăn tiền là vi phạm, không lành mạnh. Người cao tuổi chơi cho vui, rèn trí tuệ, giải trí tiêu thời gian nên thường chỉ ghi điểm để biết ai may rủi, ai chơi cao thấp mà học hỏi lẫn nhau, có khi chẳng có hội, chỉ quy định chơi đến hết mấy giờ là nghỉ mà thôi, thương chơi 2 tiếng đến 3 tiếng là cùng.. Thỉnh thoảng tổ chức thi đấu mới tính điểm theo hội.
IV. Các quy định khác cần chú ý:
1. Khàn bất thực: Có khàn nhưng thấy để khàn chỉ được 1 phu lưng, nếu tách khàn ra thì giải quyết được thêm nhiều phu khác, bớt nhiều quân lẻ trong khi bài mình đã có phu lưng rồi hoặc chắn chắn sẽ có phu lưng thì xin làng có khàn bất thực và xin một cái chén để ghi nhớ. Khi đó khàn được tách ra thành nhiều phụ dọc và có thể đánh đi 1 quân thừa. Khi ăn quân để thành phu bí hay phu cước sắc với khàn phải để quân ăn trên quân khàn và úp quân lập thành phu ấy trên quân ăn. Khi ù phải xướng rõ tên khàn bất thực, nếu không phải đánh đi quân nào thì nói khàn bất thực ăn cả, rồi trả chén làng. Nếu có quân giống khàn bất thực lên phải phỗng thì phỗng, phỗng xong hạ phu dọc và trả chén làng luôn vì khàn lại trở lại. Khàn bất thực phải lập thành 2 phu dọc và bí, nếu chỉ có phu bí là không được điểm, thế gọi là bất thực một cục.
2. Thiên khai bất thực: Có thiên khai muốn dùng nó để xoay thành nhiều phu dọc nhưng phải đánh đi 1 hay 2 quân thì xin bất thực thiên khai. Phải làm và nói như khàn bất thực, không đánh quân nào thì nói ăn cả, đánh quân nào thì nói quân ấy rồi trả chén làng xong, mới xướng ù.
3. Khi đánh quân: Không được đánh quân trong phu dưới chiếu và phu thường để ăn quân có cước sắc. Có 2 quân mà quân đến không phỗng thì không được đánh đi cả 2 quân. Không bao giờ được đánh quân yêu. Nếu đánh quân trong phu dưới chiếu mà sau lên quân chờ, ù cũng bị chèo đò. Không được đánh hai quân cùng phu với quân ăn dưới chiếu, như vậy là bị chèo đò.
4. Khi ăn quân: Chỉ được ăn quân khi đến cửa mình, ở cửa khác nếu mình có 2 quân giống nhau thì được phỗng, nếu có khàn thì phải dạy khàn, nếu đúng quân chờ thì được ù . Quân yêu đến cửa bắt buộc phải ăn. Quân nào đến không ăn, không phỗng, lần sau đến cũng không được ăn. Đã không ăn quân trước của phu dọc thì cũng không được ăn quân sau của phu ấy. Nếu ăn sẽ chèo đò. Quân lên đã ù mà bỏ qua, đến quân sau lên mới ù là đã bỏ ù, không được tính điểm, chỉ được cái. Mình có phu bí 4 quân trong đó có một đôi quân, khi quân ở cửa mình lên đúng quân có đôi ấy, mình không phỗng mà muốn ăn để có cả phu dọc và phu bí thì ăn 5 binh, phải hạ cả 4 quân phu bí xuống thành 5 quân. Đôi quân không phỗng ấy phải để một quân trên quân ăn và một quân để trên cùng. Nếu ăn theo phu dọc, mình có quân trùng với quân ăn phải hạ cả phu dọc trên tay có quân ấy, quân trùng cũng phải để dưới cùng của phu.
5. Khi bài ai bị thừa, phải trả lại quân yêu nhất văn, không có mới trả yêu đen khác, cuối cùng mới đến yêu đỏ hoặc quân khác.
6. Hết ván không ai ù: quân bài nọc cuối cùng đến cửa nào, người ở cửa ấu được cái gọi là kê.
7. Các cách chờ:
- Thập thành: Bài đã tròn, đã có lưng, chờ quân yêu, quân ghép được vào các phu là ù.
- Bạch thủ: Có 2 quân giống nhau chờ quân thứ 3 lên để phỗng có phu lưng và bài đã tròn. Quân lên ù phải hô phỗng.
- Chờ xuyên: Chờ quân lên ghép giữa thành phu dọc làm tròn bài.
- Chờ chi chi nẩy: chỉ chờ độc nhất một quân chi chi (nếu có đôi bát sách và một quân cửu vạn mà lên bát sách không phỗng đánh cửu vạn là thành thì sau đó chi chi lên chỉ được ù chi có lèo thôi, không phải là chi nẩy nữa.
8. Cho cái: Người được cái là người được nhận thêm một quân ở nọc để đánh đầu tiên trong ván. Người ù mặc nhiên được cái ở ván sau. Người ở cửa mở quân nọc cuối cùng của ván mà không ai ù cũng mặc nhiên được cái tức được kê.
- Cách cho cái: Là xác định phần bài cho người được cái Người cho cái lấy một phần bài nào đó làm nọc, lấy một quân nọc nào đó mở để ở khe nào đó. Mở một quân bất kỳ của một phần bài bất kỳ, cộng 2 số quân bài đã mở rồi chia co 5, số dư là số phần bài của người cái đến ngược theo chiều kim đồng hồ từ khe đến phần bài đúng với số dư để quân nọc ngửa lên vào phần bài đó cho người được cái ( vì đếm từ khe nên các cụ mới có câu nhất nhị tại vị tức là phần bài đầu tiên giáp khe theo chiều ngược kim đồng hồ)
- Người cho cái: Người ù ván trước cho cái người ù ván sau. Đối với người ù thông, người được kê hay ván đầu hội thì ai cho cái cũng được.
9. Trách nhiệm chia bài: Bao giờ cũng có người chia bài
- Hai người ít điểm nhất trong hội. Người bị chéo đò
- Hai người 2 bên người mới ù (trừ 2 người cao điểm nhất trong hội)
- Hai người cao điểm nhất hội trước, chia ván đầu hội sau.
- Người được kê và người dưới kê.
- Tốt nhất có người chuyên chia bài để phục vụ đánh bài liên tục nhanh hết hội, tiết kiệm thời gian chờ chia bài, đếm bài.
0 Nhận xét